Tôi ghét Dante’s Inferno
(GVN) Dante’s Inferno (DI) dù chỉ mới ra mắt được thời gian ngắn nhưng đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá trái chiều nhau. Một số tạp chí game cho DI điểm số rất cao, trong khi một số tạp chí khác lại cho điểm số khá thấp. Không những thế ngay cả việc EA chọn kiệt tác Thần Khúc (La Divina Commedia) của đại thi hào Ý Dante Alighieri để làm bối cảnh cho tựa game của mình cũng gây ra không ít tranh cãi. Nhiều người ủng hộ ý tưởng này nhưng cũng không ít người phản đối kịch liệt.
Thần Khúc của Dante Alighieri là một kiệt tác được xếp vào hàng những bản trường ca vĩ đại nhất của nền văn học thế giới. Tầm vóc đồ sộ và sự uyên thâm của nó là rào cản khiến nhiều người phải chùn tay khi muốn chuyển thể thành một tựa game. Với tựa game mới ra mắt Dante’s Inferno, EA đã dũng cảm khi dám đương đầu với thử thách khó khăn này, nhưng thật đáng tiếc đôi khi sự dũng cảm không đủ để đem đến một kết quả như ý, mà nhiều khi còn là phản tác dụng.
Trước hết là việc EA tự ý thay đổi mốc thời điểm khởi đầu câu chuyện. Nhằm có được một cách lý giải hợp lý cho việc hình tượng Dante từ một thi sĩ biến thành một chiến binh dũng mãnh, EA đã không ngần ngại gán ghép bối cảnh của game với cuộc Thập Tự Chinh lần thứ 3. Thế là thay vì câu chuyện bắt đầu vào ngày 08/04/1300 như trong nguyên tác thì lại bị đưa về năm 1191, thời điểm trước đó trước đó cả trăm năm. Điều này dẫn đến khá nhiều chi tiết vô lý trong game, bởi Dante trên con đường du hành suốt chín tầng Địa ngục đã gặp mặt nhiều nhân vật lịch sử có thật sống ở tận thế kỷ 13, những người mà lẽ ra không thể tồn tại ở thời điểm năm 1191. Chẳng lẽ dưới Địa ngục không hề tồn tại cái gọi là trật tự thời gian?
Hơn thế nữa, điều khiến Thần Khúc trở thành bất tử là tính nhân văn cao cả của mình. Trong tác phẩm vĩ đại này, Dante chỉ đề cao sự Can đảm, Danh dự và Tình yêu mới có thể giúp con người chiến thắng nỗi sợ hãi cái chết và thoát khỏi Địa ngục. Thế nhưng đến với DI, người chơi không cảm nhận được sự Can đảm mà thay vào đó chỉ là sự Tàn bạo của nhân vật chính. Nhiều người sẽ biện hộ rằng thật ra DI vẫn chưa lột tả hết những gì rùng rợn như trong nguyên tác Thần Khúc, nhưng điều này chỉ đúng phần nào mà thôi. Sự thật là trong khi EA vẫn chưa thể tái hiện lại sự khủng khiếp của Địa ngục như thiên trường thi thì họ lại thêm thắt vào cho nhận vật của mình quá nhiều sự cuồng loạn thể hiện qua các chiêu thức có phần tàn ác. Đến độ nhiều lúc trong khi đang chơi, nhiều người sẽ tự hỏi không biết giữa Dante và lũ quỷ dưới địa ngục ai mới là người tàn bạo hơn nữa. EA còn tham vọng đưa vào lối chơi phát triển kỹ năng của nhân vật theo 2 hướng thiện-ác (holy và unholy) như mô típ của một số game hiện nay. Không kể đến việc hãng phát triển chưa tạo được sự cân bằng giữa kỹ năng của 2 đường, nội ý tưởng phát triển nhân cách theo hướng ác cũng đi ngược lại tinh thần mộ đạo và hướng tới chân, thiện, mỹ của đại thi hào Dante rồi.
Trong quá trình phát triển, EA còn sử dụng một thủ pháp hơi “rẻ tiền” để câu game thủ, đó là hư cấu thêm việc mối quan hệ tay ba phức tạp giữa Dante, Beatrice và Quỷ Vương Lucifer. Cần phải biết rằng ngoài đời thật thì thi sĩ Dante Alighieri xem Beatrice, mối tình muôn thuở của mình, như là một nữ thần thánh thiện. Ông đã từng ca tụng: “Số 3 là nguồn gốc của số 9, ba lần ba là chín. Như vậy, nếu 3 có thể sinh ra 9 thì điều kì diệu ở trong mình – Ba ngôi: Chúa Cha, Chúa Con, Đức Thánh Linh – ba trong một. Từ đó rút ra kết luận rằng: người con gái này là con số 9, nghĩa là điều kì diệu và nguồn gốc của điều kì diệu này là Tam vị nhất thể.”. Dante luôn xem Beatrice như là một người thánh thiện nhất, kể cả cái chết của nàng cũng không làm giảm đi tình yêu của ông mà còn là nguồn cảm hứng để cho ra tác phẩm để đời Thần Khúc. Do đó nếu chẳng may còn sống và được EA mời chơi thử DI thì ắt hẳn đại thi hào này cũng phải quăng tay cầm mà khóc thét bởi hình ảnh nàng Beatrice trong game đã bị bóp méo một cách khủng khiếp.
Ngay cả việc sử dụng Thần Khúc làm bối cảnh để phát triển DI cũng chưa hẳn là một quyết định sáng suốt của EA khi việc phát triển những bản game tiếp theo là rất khó khăn. Bởi Thần Khúc của Dante được chia làm 3 phần nói về 3 thế giới sau khi chết: Inferno – Địa ngục trừng phạt những linh hồn tội lỗi, Purgatorio – Luyện ngục dành cho những linh hồn phạm lỗi nhưng đã biết sám hối, và Paradiso – Thiên đường dành cho những linh hồn thánh thiện. Người chơi có thể miễn cưỡng chấp nhận lối chơi chặt chém cuồng loạn khi game đang lấy bối cảnh là Địa ngục, nhưng nếu tiếp tục mang lối chơi này sang những phần tiếp theo với bối cảnh là 2 thế giới còn lại thì thật không biết hậu quả sẽ như thế nào. EA có thể thay đổi lối chơi của game để phù hợp với cốt truyện hoặc biến đổi hoàn toàn cốt truyện để phù hợp với lối chơi, đường nào thì họ cũng phải trả những cái giá thật đắt. Hoặc là họ sẽ đánh mất tính chất chặt chém đã gầy dựng trong bản đầu tiên, hoặc là họ sẽ làm biến dạng hoàn toàn Thần Khúc, tạo nên những cái nhìn sai lệch nghiêm trọng cho những ai chỉ chơi qua game mà chưa có cơ hội tiếp cận với kiệt tác này.
Cuối cùng người viết bài muốn nhắn nhủ với EA rằng hãy để cho Thần Khúc sống đúng với tinh thần nhân văn của nó. Cái cách mà EA đang sử dụng để khai thác tác phẩm này thật đáng ghét. Một Dante’s Inferno đã là quá đủ, không cần thiết phải hạ thấp thêm nữa giá trị của Thần Khúc qua những phần tiếp theo như Dante’s Purgatorio hay Dante’s Paradiso nữa đâu!!!