Mass Effect 2 – Sứ mệnh cao cả

(GVN) Mass Effect 2 (ME 2) chơi khá dễ, chưa thể hiện được tính “máu lửa” của sứ mệnh bảo vệ vũ trụ mà chỉ huy Shepard gánh vác.

Mở đầu ME 2, một không gian hạm của Collectors đã tấn công phi thuyền Normandy SR1 do Shepard chỉ huy, xóa sổ nhóm bảo vệ vũ trụ này. Bản thân Shepard rơi vào hiểm cảnh, nhưng được tập đoàn Cerberus cứu được. Hai năm sau, Shepard cải tử hoàn sinh và trở lại thiên hà, tiếp tục sứ mệnh cứu tinh của nhân loại. Theo “lập trình” quen thuộc của BioWare, Shepard tìm kiếm các chiến hữu để cùng thực hiện mục tiêu.

Qua Cerberus, người chơi biết Collectors là một nhánh của tộc Reapers, đã tiến hành tấn công các vùng đất do loài người kiểm soát và được cho là kẻ chủ mưu của những vụ phi thuyền không gian mất tích. Nguyên nhân tại sao chúng chỉ bắt cóc loài người là một bí ẩn lớn. Trước đây, Collectors đã trả nhiều tiền để mua nô lệ từ nhiều chủng tộc khác nhau, nhưng từ khi chúng biến mất khỏi cổng dịch chuyển Omega 4 Relay thì chưa từng có phi thuyền không gian nào trở về sau khi tiến vào đó.

ME 2 là một trò chơi nhập vai có nhiều điểm riêng so với các tựa game cùng thể loại. Trước hết, game thiên về khía cạnh bắn súng góc nhìn người thứ ba. Kế đó, trò chơi không có kho chứa đồ cụ thể ngoài tủ súng Weapons Locker, túi thuốc Medi-Gel, tủ giáp Armor Locker và điểm nâng cấp Research Terminal. Và thứ ba là các yếu tố nhập vai đã bị tinh giản rất nhiều: quá trình phát triển nhân vật thể hiện qua các điểm nâng cấp đơn giản, súng đạn phụ thuộc vào loại hình nhân vật, không có tính năng “loot” đồ…

Cách chơi của ME 2 tập trung hai khía cạnh: đối thoại và đấu súng. Các cuộc hội thoại trở nên “nhức đầu” hơn không chỉ bởi những lựa chọn Paragon (thiện lương) / Renegade (bạo lực), mà còn những tình huống tức thời thể hiện các lựa chọn này. Chỉ cần lơ đễnh 1 chút là bạn sẽ mất ngay cơ hội tăng điểm Paragon/Renegade trong chớp mặt. Về đấu súng, kiểu chơi nấp sau vật chắn và bắn (khi nhân vật nấp thì sẽ tự hồi máu, giáp và tỷ lệ hứng đạn giảm đi rất nhiều) giúp người chơi “dễ thở” hơn. Những game thủ tay mơ cũng có thể gia nhập trận chiến dễ dàng chỉ sau vài phút làm quen với nhịp độ nhanh.

Về vũ khí, người chơi có thể sử dụng được 5 loại vũ khí là súng ngắn, shot-gun, súng trường tấn công, súng bắn tỉa và vũ khí hạng nặng. Trong thành phần áo giáp, bạn có thể thay đổi dựa theo các thành phần: mũ, ngực, cầu vai, chân và tay. Lượng vũ khí và áo giáp cũng có thay đổi nhưng số lượng không nhiều, phần lớn là 3 kiểu/loại, trừ vũ khí hạng nặng. Người chơi có thể tìm được những món đồ mới và vật phẩm nâng cấp thông qua việc dò tìm trong màn chơi hoặc mua tại các cửa hàng. Thỉnh thoảng khi kích hoạt được lòng trung thành của các chiến hữu, họ sẽ có tùy chọn sản sinh ra loại súng riêng của họ. Vấn đề của việc nâng cấp là lượng tiền bị giới hạn, không thể mua được “tất tần tật” mọi thứ.

Vũ khí đã hết “vô hạn đạn” và nóng khi bắn liên tục như ở phiên bản đầu, nay đã bị khống chế bằng lượng đạn cụ thể (có thể chứa nhiều hơn chút ít khi có trang bị giáp trụ chứa thêm đạn hoặc từ nâng cấp). Bên cạnh đó, số lượng đối thủ trong mỗi lần chiến đấu chẳng hề ít, bọn “gấu” hơn lại có thêm tấm chắn Shield, màng sinh học Biotic Barrier hoặc lớp giáp Armor bảo vệ (hoặc có đến 2 hoặc cả 3 loại), nên vấn đề tiết kiệm đạn vô tình được nhấn mạnh, đặt nặng các giải pháp như bắn headshot hoặc dùng các kỹ năng đặc biệt.

Việc nâng cấp kỹ năng (sinh học – biotic và công nghệ – tech) cho các chiến hữu tuy ít nhưng chẳng hề đơn giản. Ở cấp cuối của kỹ năng, sẽ có 2 tùy chọn chia ra thành 2 nhánh: đơn thể (áp dụng cho 1 mục tiêu) hoặc đa thể (áp dụng cho nhiều mục tiêu). Việc nâng cấp nhánh đa thể không khéo sẽ làm mất đi điểm mạnh của tổ đội: kích hoạt khả năng bắn đạn đóng băng (Cryo Ammo) đa thể sẽ vô hiệu khả năng bắn đạn gây cháy (Incendiary Ammo) của 1 chiến hữu nào đó. Các kỹ năng tỏ ra khá hữu ích nhiều trong chiến đấu, đặc biệt là khi người chơi muốn dồn sát thương lên một mục tiêu. Tuy nhiên, hãy lưu ý là ME 2 chưa có cơ chế sửa sai cho việc cộng điểm kỹ năng của các nhân vật phụ nên phải suy tính kỹ trước khi nâng cấp.

Tài nguyên là một yếu tố thiết yếu để tiến hành các nâng cấp. Ngoài một lượng ít tài nguyên được cung cấp đâu đó trong các màn chơi, đa phần người chơi phải tiến hành khai thác ở các hành tinh trong vũ trụ. Đây cũng là một hình thức tiêu tiền (phải mua các mũi dò – probe) nên bạn cần tính toán trước cần nâng cấp cái gì, cho nhân vật nào để “đào” loại tài nguyên phù hợp.

Về mặt đồ họa, ME 2 trông đẹp và chi tiết hơn nhiều so với ME. Các mẫu nhân vật có đường nét rõ hơn và chuyển động tốt hơn, trong khi ánh sáng thể hiện được nhiều mức độ khác nhau ở trong cùng một khu vực nhỏ. Chỉ cần một card đồ họa tầm trung là đã có thể “tung tăng” trong vũ trụ. Game thỉnh thoảng lại có vài vị trí “lên được nhưng xuống chẳng được” rất khó chịu, khiến người chơi phải load lại điểm save trước đó. Nhạc nền trong ME 2 chưa gây được nhiều ấn tượng, nhưng phần lồng tiếng thì rất tuyệt. Mỗi giọng nói đại diện cho các nhân vật đều có chiều sâu riêng và giọng điệu cũng góp phần thể hiện tính cách của họ.

Cốt truyện của ME 2 tuy có chiều sâu nhưng chưa thể hiện “máu lửa” lắm bởi đa phần thời gian chơi được dành cho việc xây dựng đội hình và giúp đỡ họ. Cuộc chiến với Collectors vì thế hơi nhạt, chưa cho thấy được sự nguy hiểm thực sự của chủng tộc này. Ngoại trừ “trùm cuối”, không có thách thức nào đáng kể như những gì đã có trong ME trước kia. Có lẽ ME 2 chỉ là bước đệm cho quá trình phát triển nhân vật dài hơi trong ME 3 về sau. Với dân ghiền nhập vai, Dragon Age: Origins vẫn cao hơn Mass Effect 2 một bậc!

Bình luận

bình luận