Capcom và những chăng đường phát triển
(GVN) Đối với những game thủ trưởng thành từ những năm 1980, có rất ít hãng game đem lại ấn tượng một cách sâu sắc như Capcom.
Hãng game Nhật Bản nổi tiếng qua hàng loạt những tựa game hành động dạng đi cảnh 2D từ hệ NES như Mega Man, Final Fight cho đến những game song đấu như Street Fighter luôn tạo được sự thu hút trong lối chơi dù có phần đơn giản nhưng đòi hỏi kỹ năng điều khiển cực tốt. Sau hơn 30 năm thành lập và phát triển, Capcom đã để lại cho người hâm một những dòng game kinh điển như Street Fighter, Resident Evil, Mega Man, Devil May Cry, Monster Hunter… Điều đặc biệt tất cả các tựa game này đều có những đặc trưng riêng và thành công nhất định ở thể loại của nó. Khác với các hãng game hiện nay có xu thế sáp nhập lẫn nhau, Capcom vẫn đứng riêng rẽ, phục vụ riêng cho cộng đồng fan của mình đồng thời từ từ mở rộng ra những thị trường mới.
Khởi đầu với thể loại game bắn súng
Capcom được thành lập năm 1979 với tên gọi là Japan Capsule Computers, với mục tiêu thiết kế và sản xuất các loại máy chơi game điện tử. Thành công của những tựa game máy thùng như Little League và Fever Chance đã đem lại cơ hội cho Capcom tự thiết kế hệ máy thùng của riêng mình với tên gọi Acty 24 và phát triển tựa game đầu tiên mang tên Vulgus vào năm 1984. Vulgus là tựa game điều khiển phi thuyền bắn súng theo chiều dọc (vertical shooter) đã tạo cảm hứng cho không ít những tựa game cùng thể loại này về sau, bao gồm cả tựa game rất thành công khác của Capcom là 1942.
Capcom đạt được thành công vang dội ở thể loại game máy thùng với nhiều lý do, trong đó phải kể đến sự sáng tạo và cải tiến liên tục ở những tựa game hành động của mình. Năm 1985, sau những thành công vang dội của những tựa game máy thùng như Ghosts ‘n Goblins và tựa game bắn súng Commando, Capcom chính thức mở rộng sang thị trường máy chơi game console. Tại Nhật, Capcom bắt đầu tự phát hành những tựa game của mình trên hệ máy Famicom (NES) của Nintendo đồng thời giám sát việc phát hành những bản game chuyển hệ của mình được phát triển bên ngoài cho các hệ máy PC. Chi nhánh Capcom USA tại Mỹ được thành lập vào năm 1985, với nhiệm vụ kinh doanh những hệ máy game thùng của Capcom và phát hành những tựa game đỉnh của máy NES đến game thủ Mỹ. Capcom USA cũng là bước tiến đầu tiên của Capcom vào thị trường game toàn cầu.
Hiện tượng Street Fighter và Mega Man
Năm 1987 là một năm cực kỳ đáng nhớ đối với Capcom khi hãng này tung ra hai tựa game được xem là thành công nhất của mình là Street Fighter và Mega Man. Mặc dù được xem là một cuộc cách mạng mới ở thể loại game song đấu, Street Fighter không được người ta nhớ đến nhiều bằng phiên bản về sau Street Fighter II với nhiều cải tiến về cách chơi và đồ họa. Street Fighter không được phát hành một cách rộng rãi, và hệ thống nút bấm trên máy thùng của trò chơi cũng không được thuận tiện cho một game song đấu khi ứng dụng độ nhạy lực trên các nút bấm. Capcom quyết định thay đổi hệ thống điều khiển cũ của Street Fighter bằng hệ thống 6 nút tiêu chuẩn, nhưng dường như đó là quá trễ để Street Fighter có thể tạo nên “cơn sốt” mới. Tuy nhiên, việc Street Fighter ra đời là một sự cải tiến cực kỳ quan trọng cho thể loại game song đấu, Capcom đã đưa vào game một cốt truyện đầy màu sắc với nhiều đấu sĩ cùng hệ thống tuyệt chiêu đặc trưng thú vị. Trò chơi cũng là tiền đề cho nhiều tựa game song đấu của những hãng khác như Tekken của Namco và Virtual Fighter của Sega, vốn bùng nổ vào những năm đầu tiên của thập niên 90.
Với Mega Man, đây là dòng game hành động rất đáng nhớ của Capcom và tính đến nay, Mega Man đã có đến hơn 50 phiên bản khác nhau ở tất cả các hệ máy. Ý tưởng cách chơi chính của Mega Man “lưu truyền” từ trước đến nay là tiêu diệt những tên trùm robot, thu thập quyền năng của chúng và sử dụng nó cho những tên trùm về sau. Nhưng cũng giống như Street Fighter, khởi đầu của Mega Man (có tên Rockman tại Nhật) không được suôn sẻ và tạo được tiếng vang lớn, nhất là tại thị trường Mỹ. Chỉ đến phiên bản Mega Man 2 phát hành năm 1989, Capcom mới tạo được cú “hit” lớn cho Mega Man với hàng loạt cải tiến về tính năng game. Mega Man 2 được đánh giá là tựa game hành động đi cảnh hấp dẫn nhất vào thời điểm đó, đồng thời Capcom cũng chứng tỏ hãng đã lắng nghe và có những giải pháp phù hợp với những phản hồi từ cộng đồng fan của mình. Phiên bản Mega Man 2 cũng là nỗ lực rất lớn của Capcom sau khi doanh số của bản đầu tiên khá khiêm tốn, nhưng với tài năng của nhà sản xuất nổi tiếng Keiji Inafune và đội ngũ của mình, Mega Man 2 đã trở thành một hiện tượng với doanh số 1,5 triệu bản, cao nhất trong các game Mega Man từ trước đến nay của Capcom.
Hồi sinh những dòng game cũ, lấn sân thị trường mới
Nếu như những ý tưởng phát triển game mới quá đắt đỏ, Capcom luôn có kế hoạch hồi sinh những dòng game cũ của mình, trong đó nổi bật là Bionic Commando với hai phiên bản làm lại (trên PS3 và Xbox 360) và Rearmed (phân phối dưới dạng tải về). Tựa game Bionic Commando nguyên thủy trên hệ NES không thu hút quá nhiều các fan game hành động do nhiều yếu tố trong cách chơi, nhưng Capcom vẫn quyết định hồi sinh nó bằng cách giao nhiệm vụ phát triển cho một studio nước ngoài là GRIN (Thụy Điển). Capcom nhận thức được rằng một trong những yếu tố sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của mình bao gồm thị hiếu của game thủ phương Tây đối với những game hành động. Với Bionic Commando bản mới, tuy không đạt được thành công như mong đợi của Capcom nhưng đây là bước đầu hãng quyết định thiết kế game theo phong cách phương Tây để phù hợp với những game thủ thị trường này. Một trong những nỗ lực đáng ghi nhận khác về việc lấn sân thị trường phương Tây là Dead Rising, tựa game zombie lấy cảm hứng từ bộ phim kinh dị về những xác chết hồi sinh nổi tiếng Dawn of the Dead; Lost Planet, tựa game bắn súng góc nhìn thứ ba với bối cảnh băng giá và lối chơi đa dạng.
Việc nâng cao thương hiệu game của Capcom cũng được chú trọng rất nhiều, và hãng cũng có một cách thức phát triển và phát hành game khá khôn ngoan: các phiên bản sẽ được lặp lại vài lần với những cải tiến nhỏ, đủ để các fan chú ý và cảm thấy hấp dẫn. Street Fighter II là một ví dụ điển hình nhất cho cách thức này. Sau thành công của trò chơi này, Capcom quyết định “cải tiến” Street Fighter II một chút và cho ra mắt hai phiên bản Street Fighter II Turbo và Super Street Fighter II. Mặc dù các fan đang kỳ vọng một Street Fighter III với cách chơi hoàn toàn mới, Capcom vẫn thuyết phục được cộng đồng của mình với những cải tiến về nhân vật và đặc biệt là sự cân bằng giữa các đấu sĩ trong game. Các dòng game khác của Capcom cũng được nâng cao thương hiệu theo cách này: Mega Man vẫn luôn có những bản mở rộng khá “lắt nhắt”, ngay cả với phiên bản phụ như Mega Man Battle Network cũng có đến 5 tới 6 phiên bản khác nhau. Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là các tựa game ra đời luôn đạt được những thành công nhất định do phiên bản nguyên thủy đã tạo được ấn tượng quá tốt.
Việc phát hành lại những tựa game cũ liên tục không có nghĩa rằng Capcom thiếu đi sự cải tiến và sáng tạo hoàn toàn mới. Với Okami và Viewtiful Joe, hai tựa game thành công khác của Capcom tuy học tập khá nhiều ưu điểm từ những game “đỉnh” khác như The Legend of Zelda: Twilight Princess và Final Fight, nhưng chúng vẫn thể hiện những bản sắc riêng hấp dẫn các fan của Capcom. Việc cân bằng giữa cải tiến những cái cũ và đưa ra những ý tưởng mới hoàn toàn đôi khi cũng là sự khó khăn của chính Capcom. Với trường hợp của Breath of Fire: Dragon Quarter phát hành năm 2003 trên hệ PS2, hãng đã đi sai một nước cờ khi đưa vào những ý tưởng cách chơi hoàn toàn mới so với phong cách truyền thống game nhập vai Nhật. Kết quả là trò chơi không đạt được những kì vọng của các fan, không tạo được sự quen thuộc thân thiện và có kết quả doanh thu khá bèo bọt. Tương tự với việc hồi sinh dòng game Bionic Commando, phiên bản hoàn toàn mới trên Xbox 360 và PS3 lại không tạo được thiện cảm với cộng đồng fan khi chỉ bán ra được 27.000 bản trong tháng đầu phát hành, nhưng phiên bản Rearmed với cách chơi đi cảnh truyền thống lại đạt được thành công đáng kể với 130.000 lượt tải về chỉ trong tuần đầu tiên ra mắt.
Kỷ nguyên Resident Evil
Nói đến Capcom không thể không kể đến Resident Evil, dòng game gần như gây ảnh hưởng đến tất cả các tựa game khác của Capcom sau khi nó phát hành. Phát hành năm 1996, phiên bản đầu tiên của Resident Evil đem đến cho các fan của Capcom một trải nghiệm mới với thể loại hành động kinh dị, pha chút cách chơi giải đố và những tình huống nghẹt thở. Những xác chết hồi sinh được xem là biểu tượng chính của game và gần như xuất hiện ở tất cả phiên bản. Được sản xuất và phát triển bởi nhà sản xuất Shinji Mikami, dòng game Resident Evil đã đạt được doanh thu hơn 40 triệu bản trên khắp thế giới và tạo ảnh hưởng không nhỏ đến các dòng game thành công khác của Capcom về sau như Onimusha, Devil May Cry.
Nếu tóm tắt lịch sử dòng game Resident Evil thì cho đến nay, dòng game đã có một “cuộc cách mạng” về lối chơi ở phiên bản Resident Evil 4 phát hành năm 2005. Với các bản trước là Resident Evil 1, 2, 3 và Code Veronica, những cải tiến vẫn xuất hiện nhưng không thật sự rõ nét và về phương diện nào đó, lối chơi Resident Evil đã đi vào lối mòn với sự kinh dị đan xen giải đố. Capcom mất đến 5 năm để phát triển Resident Evil 4, và sự cải tiến mang tính cách mạng đã xuất hiện: lối chơi đậm chất hành động và góc quay camera được chuyển thành 3D phía sau nhân vật. Việc nhắm bắn và di chuyển cũng phần nào thuận tiện hơn, và đặc biệt các pha hành động vẫn giữ được nét căng thẳng vốn có nhưng theo phong cách khác. Capcom đi một nước bài mạo hiểm với dòng game danh tiếng nhất của mình, và hãng đã thắng lớn với doanh số hơn 3,6 triệu bản cho cả hai phiên bản Resident Evil 4 của mình trên GameCube và PS2. Tiếp nối thành công này, Resident Evil 5 với cách chơi tương tự, cải tiến thêm tính năng co-op cũng đem lại doanh thu rất lớn cho Capcom.
Lời kết
Capcom trong tương lai có thể sẽ vẫn duy trì mô hình tự phát triển và phát hành game bên cạnh việc đẩy mạnh, cải tiến những dòng game “hái ra tiền” của mình. Lấn sân thị trường phương Tây đối với Capcom không quá khó khăn do họ đã tạo được danh tiếng khá tốt trong suốt 30 năm qua, và việc phát triển game dựa theo thị hiếu phương Tây cũng đã đạt được những thành công nhất định. Cùng với Square Enix, Capcom cũng là hãng game Nhật tạo được sự hài hòa giữa các yếu tố cũ và mới, cải tiến và nâng cấp đồng thời gắn bó mật thiết với cộng đồng fan của mình. Hãy chờ xem trong tương lai, hãng game hàng đầu Nhật Bản này có đem lại cho chúng ta những “cuộc cách mạng” mới hay không?