Hitman: Contracts – Bản giao kèo

(GVN) Nhắc đến dòng game Hitman, dân ghiền game hình dung ngay đến chàng sát thủ 47 “dễ thương” với cái đầu trọc có in mã vạch trông thật ngầu, “không đụng hàng” với bất cứ ai!

Phiên bản đầu tiên (Hitman: Codename 47) có trên thị trường cách đây 4 năm, gây tiếng vang trong giới chơi game lúc bấy giờ không chỉ bởi cách chơi hấp dẫn, hồi hộp, mà còn bởi đồ họa đẹp, ấn tượng. Một phần của sự hấp dẫn này cũng là do vào thời điểm đó người chơi khó có thể kiếm được một game có sự đầu tư kỹ càng và nghiêm túc. Qua thời gian, các phiên bản sau ngày càng được trau chuốt hơn về đồ họa, nhạc… nhưng đến Hitman Contracts  (hay còn gọi là Hitman 3) phiên bản mới nhất trong dòng game, người ta bắt đầu thấy nó đang dần đi vào lối mòn.

Ý tưởng lâm vào thế bế tắc

Câu truyện của phần 3 bắt đầu bằng đoạn phim sát thủ 47 bị trọng thương khi thực hiện một phi vụ quan trọng, trong lúc “mê sảng” chàng sát thủ trọc đầu nhớ lại những nhiệm vụ đã từng làm trước đây. Tới đây phần của người chơi bắt đầu… Với cách mở đầu gây tò mò và kích thích người chơi, Hitman 3  khéo léo dẫn dắt bạn vào thế giới của sát thủ 47 thông qua những nhiệm vụ gay cấn. Tuy nhiên sự “gay cấn” đó không giữ được lâu, khi các gamer có kinh nghiệm chơi qua loạt game này phát hiện ra “điểm yếu” của trò chơi, đó là các màn trong game. Với tổng số 13 màn (12 màn chính + 1 màn huấn luyện), người chơi theo chân sát thủ 47 từ Á sang Âu để thực hiện nhiệm vụ ở Hong Kong, Siberia, Beldingford Manor, Rotterdam Habour… Nếu như bạn mới làm quen với loạt game này thì đây là những màn “vô cùng xa lạ”, nhưng với những ai đã từng chơi qua thì họ mau chóng nhận ra “người xưa, cảnh cũ”: hơn một nửa số nhiệm vụ trong game y chang như những gì đã xảy ra trong Hitman: Codename 47 (Hitman 1), từ khung cảnh cho tới những mục tiêu mà 47 cần phải thực hiện, có khác chăng là chúng được IO Interactive “tút” lại (thiết kế màn, cách thực thi nhiệm vụ) cho phù hợp với “bộ cánh mới”, và có thể thấy nhà phát triển đã rất “khôn” khi xếp các màn mới lên đầu và các màn cũ ra sau để người chơi khi đã “lỡ” phát hiện ra thì họ không thể bỏ dở “chuyến tàu đang chạy”. Nếu như họ thay thế những nhiệm vụ cũ này bằng những màn khác mới lạ tương tự như các màn The Meat King’s Party hay Beldingford Manor chẳng hạn, thì có lẽ Hitman 3  sẽ lôi cuốn các “cựu binh” tham gia cuộc chơi lâu hơn, xem ra IO Interactive (Đan Mạch) đang lâm vào thế bế tắc ý tưởng.

Cách chơi đi vào ngõ cụt

Vẫn theo kiểu “rình rập, ẩn nấp” của trường phái “stealth-action game” (Thief, Splinter Cell… ) như các phiên bản trước, người chơi vào vai sát thủ 47 và nhận nhiệm vụ từ một nữ giao liên bí mật. Mục tiêu trong các nhiệm vụ của 47 có thể là một tên trùm găng- xtơ, một kẻ cầm đầu băng đua xe đường phố nào đó, tóm lại toàn là “kẻ xấu” (chỉ có 47 nhà ta là “người tốt” thôi!). Vì đa phần là những màn được làm lại từ phần đầu, cho nên bạn sẽ gặp lại những nhân vật rất quen “mặt” như  Lee Hong, Fritz Fuchs… trong các nhiệm vụ. Tuy nhiên lần này bạn được “tự do” hơn trong việc quyết định hành động của mình: có thể bạn thích kiểu dùng súng bắn tỉa từ xa, nhưng có người lại thích tiếp cận đối phương và không thích nổ súng… mỗi một cách mà bạn sử dụng sau khi hoàn tất màn chơi sẽ được đánh giá, phong tặng danh hiệu. Và đặc biệt, nếu người chơi đạt được thứ hạng cao nhất trong trò chơi “Silent Assassin” thì sẽ được thưởng một món vũ khí mới. Tương tự như vậy, người chơi còn gặp lại những tính năng rất quen thuộc từ phiên bản thứ hai chẳng hạn: cột cảnh báo tình trạng nguy hiểm (nay được dời từ trên đỉnh xuống dưới đáy màn hình), bảng chứa đồ gọn gàng với những chú thích dễ hiểu, có chế độ chuyển đổi qua lại giữa góc nhìn người thứ nhất và thứ ba, bản đồ chú thích rõ ràng từng khu vực, vị trí với những biểu tượng đặc trưng làm cho người chơi nắm bắt tình hình tốt hơn (cần lưu ý là khi bạn xem bản đồ, tiến độ game vẫn diễn ra và tùy theo độ khó mà bạn chọn tính chi tiết của bản đồ sẽ thay đổi).

Nhắc đến độ khó của game thì phần ba này cũng có 3 cấp độ tương tự như Hitman 2, mỗi cấp độ sẽ có những thay đổi khác nhau, chẳng hạn: với chế độ Normal bạn sẽ có 7 lần lưu game, Expert là 2 và Professional không có (đây là mức khó… “dã man” nhất trong trò chơi, rất thích hợp cho những gamer “prồ”!)… Theo tôi, khó nhất chính là việc sắp xếp kế hoạch dựa trên phần bản đồ (tất nhiên, việc thiết lập các kế hoạch này không thích hợp cho các tay chơi chỉ khoái bắn súng “đùng… đùng”), mặc dù thông tin bản đồ thể hiện khá chi tiết nhưng bạn cũng phải “đi dạo” vài lần mới nắm bắt được tình hình cũng như mọi ngóc ngách của màn để lên một kế hoạch hoàn hảo!

Những gì lặp lại mà không có cải tiến nào mới sẽ làm cho người chơi mau chán, Hitman 3  vướng phải điều này và không chỉ có vậy, nó còn bỏ đi một số tính năng nhỏ nhưng đáng để mắt tới như: mất các đoạn phim ngắn giới thiệu về các mục tiêu (chỉ còn lại các dòng chữ khô khan và những tấm hình vô hồn), không thể dùng thủ thuật mở khóa nhanh như phiên bản thứ hai, không lựa chọn được vũ khí cho mình trong các nhiệm vụ tiếp theo vì “ngôi nhà” có chứa hàng chục món “đồ chơi” của 47 đã bị dời qua màn hướng dẫn để… làm “cảnh”! Tình cảnh này cũng gây sự bực bội tương tự cho người chơi khi họ nhận được giải thưởng của game: bạn sẽ không tài nào sử dụng được nó cho màn tiếp theo trừ khi bạn chọn chơi lại màn này sau khi đã hoàn tất game, lúc đó game sẽ cho phép lựa chọn vũ khí đem theo.

AI: thất bại?

Những ai đã chơi qua Hitman 2  chắc hẳn còn nhớ sự thông minh đáng kể của các nhân vật máy, chúng rất “tinh” khi bạn cải trang trà trộn hoặc khi thực hiện những hành động khả nghi… với mức độ logic khá hợp lý (dù rằng vẫn còn đó một số lỗi vụn vặt). Tuy nhiên khi qua Hitman 3, sự thông minh được thay thế bằng những hành động mà theo tôi là xuẩn ngốc và vô lý, dễ thấy nhất là trường hợp đấu súng giữa bạn với các nhân vật máy: chúng “xếp hàng” dài chờ tới lượt… bị bắn và đôi lúc đứng ngớ người ra không có biểu hiện phản ứng (với các cấp độ từ dễ tới khó đều xảy như nhau, chỉ có khác ở khả năng bắn chính xác của từng mức). Có một số trường hợp bạn chẳng làm gì cả nhưng máy lại tự động “gây hấn”, đó là một điều hết sức vô lý của game!

Đồ họa đẹp nhưng…

Đồ hoạ đẹp nhưng chỉ đúng với khung cảnh trong game. Hitman 3  đã được các nhà làm game “tút” lại với một diện mạo mới hoàn toàn. Nếu như bạn đã từng “há hốc” mồm khi chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục của đồ họa từ phiên bản một sang hai, thì sang phần ba nó tiếp tục được tô điểm thêm, nhưng bù lại nó bắt card đồ họa của bạn “cày” nhiều hơn. Ngoài ra, “chiếc áo” đẹp của Hitman 3  cũng nhờ sự góp phần của các hiệu ứng như mưa, tuyết (dù tính “thật” của chúng chưa thuyết phục được người chơi lắm), đặc biệt là hiệu ứng mờ ảo vì toàn bộ những nhiệm vụ mà bạn tham gia vào đều xuất phát từ hồi ức của 47. Nếu được bình chọn nơi đẹp nhất trong trò chơi, thì tôi sẽ “bỏ phiếu” cho những màn diễn ra tại Hong Kong: sinh động, đầy màu sắc. Bên cạnh sự mờ ảo, trò chơi còn có hiệu ứng “ma trận”, thật ra đây là cái “bẫy” gây hiểu lầm của game: khi bạn sắp “tiêu”, game đột ngột chậm hẳn lại, lúc này nhiều người lầm tưởng đây là một chiêu mới của chàng 47 nhưng không phải như vậy, mà là nó báo hiệu cái chết đã đến và màu sắc sẽ từ từ chuyển thành trắng đen!

Phần “xấu” nhất của đồ họa chính là mô hình nhân vật. Có thể coi đó là “con sâu làm rầu nồi canh”. Các nhân vật trông thô kệch vì những khối đa giác đầy góc cạnh, đặc biệt là nhân vật chính của chúng ta được dựng hình khá là thô sơ. Không chỉ vậy, chuyển động của các nhân vật cũng không được uyển chuyển và mềm mại, nhất là bước chạy của 47 trông gượng gạo xấu xí làm sao!

Âm nhạc dưới bàn tay “phù thủy” của Jesper Kyd

“Tông” nhạc của Hitman 3  kỳ này có phần trầm lắng hẳn lại. Hầu hết các cảnh trong game có nhạc nền khá buồn, có lẽ vì bối cảnh chung của phần kế này thiên về diễn tả nội tâm của nhân vật 47 là chính, ngoại trừ những lúc có “action” thì âm nhạc sôi động hẳn lên một chút. Bài nhạc hay nhất theo tôi chính là bản nhạc menu của game. Được biết IO Interactive đã mời Jesper Kyd – một nhà soạn nhạc nổi tiếng trong giới làm game để hỗ trợ cho phần âm thanh của trò chơi. Anh là người đã từng “ghi điểm” cho Freedom Fighters  được tung ra vừa qua, sau đó là các đoạn phim quảng cáo (trailer) cho Hitman: Contracts  mới đây. “Bề dày” thành tích của anh cũng đủ để nói lên chất lượng của những bản nhạc: hợp tác với hầu hết các hãng lớn hiện nay như Activision, Bioware, Eidos, EA, Konami, Microsoft… để soạn nhạc cho rất nhiều trò chơi mà có thể kể điển hình một số như sau: MDK 2, Hitman 2, Brute Force, Messiah… Quả là một nhà soạn nhạc tài năng!

Lời kết

AI trung bình (nếu không muốn nói là tệ), cách chơi lặp lại không đổi mới, cốt truyện mờ nhạt, là những thứ đã “nhấn chìm” phần nào sự hấp dẫn của phần tiếp theo này. Có thể thấy là nhà phát triển game đang lâm vào thế “bí” ý tưởng và kết quả là một Hitman: Contracts  không làm hài lòng các gamer lắm. Hi vọng rằng ở phiên bản kế tiếp (khoảng đầu năm 2005) chàng sát thủ 47 sẽ trở lại với một bộ mặt khá hơn bây giờ.

Bình luận

bình luận