Bác sĩ Yersin: trong chòi rơm nhỏ khám phá đại dịch truyền nhiễm

ky-uc-sai-gon

(GVN) Do không được chính quyền Hương Cảng cho phép vào làm việc trong bệnh viện, “Ông Năm” phải nghiên cứu bệnh dịch hạch tại chòi rơm bé tí, chỉ có kính hiển vi và nồi hấp khử trùng nhỏ.

Nhà khoa học thầm lặng trong mái chòi rơm

Năm 1894, bệnh dịch hạch (bubonic plague) xảy ra ở Vân Nam, Hương Cảng (Hong Kong) lan ra giết chết nhiều người, vì sợ lan truyền đến những nơi khác (nạn dịch hạch vào thế kỷ XIV thời Trung cổ ở Âu châu đã làm chết 1/3 dân số nơi này), chính quyền Đông Dương đã gởi Alexandre Yersin, bác sĩ nghiên cứu giỏi nhất thuộc nhóm Pasteur, qua Hương Cảng nơi mỗi ngày có 40 người chết vì dịch hạch, để tìm hiểu, phòng ngừa, tìm cách trị và chặn đứng dịch bệnh nguy hiểm này.

Đến Hương Cảng, ngày 15/6/1894 với một kính hiển vi và một nồi hấp khử trùng nhỏ do viện Pasteur ở Sài Gòn cho mượn, ông định bắt tay vào làm việc ngay, nhưng nhà đương cuộc Anh chưa cho phép ông vào làm việc ở bệnh viện, trong khi một nhóm từ Nhật do bác sĩ Kitasato trong bệnh viện cũng đang tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh.

Ít nói và không nản chí, nhà khoa học trẻ tuổi Yersin bắt tay vào làm việc trong một chòi rơm nhỏ do ông dựng lên với sự giúp đỡ của một nhà truyền giáo người Ý, linh mục Vigano, mang thi hài những người chết đến để ông khám nghiệm.

Trong vòng 10 ngày, ông đã tìm ra được vi khuẩn gây bệnh dịch hạch trong các hạch xoài của tử thi dưới kính hiển vi. Những vi khuẩn hình gậy dài, tương tự như vi khuẩn trong chuột chứng tỏ có sự truyền vi khuẩn từ chuột đến người qua một đường trung gian. Một khám phá quan trọng trong lịch sử y khoa. Nhiệm vụ ông hoàn thành, ông gởi các mẫu vi khuẩn trong ống nghiệm đến viện Pasteur ở Paris, ông lặng lẽ lên tàu trở về Sài Gòn.

Viện Hàn lâm Pháp thông báo khám phá của ông về vi khuẩn gây bệnh dịch hạch. Vi khuẩn này được đặt tên là Yersinia pestis. Thế giới loan tin về khám phá khoa học quan trọng này mà nhiệm vụ kế tiếp của ông và giới y khoa là tìm ra thuốc chống vi khuẩn dịch hạch.

Đến Paris năm 1895, ông làm việc với Émile Roux và Louis Pasteur tìm ra thuốc chống dịch hạch, nhưng trong một thời gian vài tháng ông phải trở về Nha Trang. Để có thể làm thuốc chủng bệnh, với sự trợ giúp của Toàn quyền Đông Dương, ông lập khu trại chăn nuôi ở Suối Dầu. Sau này ông cũng thử nghiệm trồng ở đây các loại cây cao su, cà phê, cây quinquina từ Nam Mỹ dùng trị bệnh sốt rét.

Chân dung “Ông Năm” Yersin

Cùng thời với bác sĩ Albert Calmette ở Sài Gòn là bác sĩ Alexandre Yersin (1863 – 1943). Ông sinh trưởng ở Thụy Sĩ, học y khoa dự bị ở Lausanne năm 1883 và đến Paris tiếp tục học và làm việc với nhiều nhà khoa học nghiên cứu y khoa như giáo sư Émile Roux, công bố nhiều công trình khoa học và tham gia giảng dạy. Bác sĩ Yersin trước khi qua Á châu, đã làm việc với bác sĩ Louis Pasteur ở Paris một thời gian tìm thuốc chủng bệnh chó dại.

Ở Sài Gòn, Yersin phục vụ trên tuyến đường thủy Sài Gòn – Manila. Ngạc nhiên về phong cảnh và môi trường lạ, ông lao vào học hỏi đi thám hiểm quanh vùng Sài Gòn. Trên tuyến đường hàng hải Sài Gòn – Hải Phòng, dọc theo bờ biển Việt Nam, ông đã học hỏi từ những thủy thủ các chòm sao định hướng, họa đồ địa lý, những kiến thức mà sau này ông dùng để đi thám hiểm từ Nha Trang lên Tây Nguyên và Bắc Cam Bốt và chọn điểm thành lập thành phố Đà Lạt, với khí hậu và cảnh quan giống như Thụy Sĩ quê hương mà Yersin quen biết.

Chính ở Sài Gòn, ông gặp bác sĩ Calmette vừa mới tới, cũng do Pasteur gởi đi, để thiết lập viện Pasteur trong khuôn viên bệnh viện quân đội. Được sự khuyến khích của Calmette, bác sĩ Yersin gia nhập vào quân y và đến Nha Trang năm 1892, lúc này ông mới 29 tuổi, thành lập một phòng thí nghiệm vi khuẩn học trong một chòi lá, sau này trở thành chi nhánh thứ hai của viện Pasteur sau Paris và Sài Gòn.

Trong chức vụ quân y được thăng đại tá, sau này với đồng phục có 5 gạch mà những người Việt cộng sự với Yersin gọi ông với tên thân mật là “Ông Năm”. Ông là người thích sống cô độc chuyên tâm vào khoa học, thám hiểm giúp đời và cộng đồng mà ông sống chung. Từ năm 1892 đến 1894, nhờ sự trợ giúp phụ cấp của Toàn quyền de Lanessan (trước cũng là bác sĩ hải quân), ông đã thám hiểm lên Tây Nguyên sống với các dân tộc thiểu số. Ở cao nguyên Lang Biang, trong khu vực hồ Darlac nơi mà ông khi viết thơ gởi Toàn quyền Paul Doumer cho là có khí hậu thích hợp để thành lập thành phố nghỉ dưỡng cho người Âu tránh cái nóng hè nhiệt đới. Sự khởi thủy của thành phố Đà Lạt bắt đầu từ đó.

Ông Henri Turot, phóng viên báo Le Monde Illustrécho biết, trên tờ Le Monde Illustré ngày 27/5/1899, khi ông đến Nha Trang từ Bà Rịa đi qua Long Điền, Phan Thiết, Phan Rí, Phan Rang thì bác sĩ Yersin lúc này đang điều hành chi nhánh viện Pasteur ở đây và Toàn quyền Đông Dương định thiết lập ở cao nguyên Lang Biang một thành phố nghỉ dưỡng ở Đông Dương theo sự đề nghị của bác sĩ Yersin.

Năm 1902, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer thiết lập đại học Đông Dương trong đó có trường Y khoa, và ông được bổ nhiệm làm hiệu trưởng đầu tiên của đại học Y khoa ở Hà Nội.

Yersin mất ở Nha Trang ngày 1/3/1943, không vợ con và người nối dõi, để lại tất cả tài sản, thư viện cho thành phố Nha Trang và theo ý nguyện của ông, được chôn ở Suối Dầu. Thành phố và viện Pasteur Nha Trang gắn liền với cuộc đời của Yersin, nơi ông coi như là quê hương của mình mà cũng như tất cả các sắc dân trong vùng đều kính trọng và coi ông như là một người thân của họ. Bác sĩ Yersin trở thành biểu tượng của một nhà khoa học phục vụ nhân loại.

Nguồn: Sài Gòn và Nam kỳ trong thời kỳ Canh Tân 1875 – 1925, tác giả Nguyễn Đức Hiệp, NXB Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM.

Bình luận

bình luận